Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Nỗi buồn chiến tranh. Dẫu không được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông như một văn bản chiến tranh chính thống, tác phẩm đầu tay của Bảo Ninh vẫn được coi như khuôn vàng thước ngọc của dòng tiểu thuyết phản chiến và sang chấn với lối viết dòng ý thức mới mẻ. Quan trọng hơn, với việc bản dịch tiếng Anh The Sorrow of War ra mắt rất sớm vào năm 1993, trong khi văn bản gốc ra đời năm 1990 và sau đó bị cấm in trong nhiều năm liền[1], Nỗi buồn chiến tranh vẫn luôn được biết đến như một đại diện tiêu biểu và tài năng của văn chương Việt Nam.
Thật vậy, một năm sau khi dịch giả Frank Palmos giới thiệu The Sorrow of War, tác phẩm đã nhận giải thưởng Tác phẩm Nước ngoài Xuất sắc Nhất (Best Foreign Book) năm 1994 do tạp chí The Independent của Anh bình chọn. Năm 2010, Hiệp hội Tác giả Anh (Society of Authors) đưa bản dịch của Frank Palmos vào danh sách 50 Tác phẩm Dịch Xuất sắc Nhất thế kỷ 20. Trong bài bình luận đăng trên tạp chí World Literature Today số mùa thu năm 1995, Đình-Hoà Nguyễn nhận xét The Sorrow of War mặc dù có vài lỗi dịch thuật nhỏ, chủ yếu liên quan đến tên riêng, sẽ trường tồn như một phiên bản Á Đông của Phía Tây không có gì lạ - một kinh điển về phản chiến của cây viết người Đức Erich Maria Remarque.[2]
[1] Đến tận 2003, Nỗi buồn chiến tranh mới được xuất bản trở lại. Xem thêm, Đoàn Ánh Dương, Lê Nguyên Long, “Tiếp nhận Nỗi buồn chiến tranh”, Nghiên cứu Văn học số 12, 2017, tr. 91-103.
[2] Nguyễn, Đình-Hoà. World Literature Today, tập 69, số 4, 1995, tr. 880–881. JSTOR,
www.jstor.org/stable/40151830. Truy cập 07 tháng Sáu 2021.